Có nhiều nguyên nhân khiến nồng độ ure máu thay đổi đặc biệt là do rối loạn chức năng gan, thận. Xét nghiệm BUN đo lượng urea nitrogen -một sản phẩm chuyển hoá của protein trong máu giúp cung cấp các thông tin quan trọng trong các bệnh lý ở gan và thận.
02/03/2018 | Toán học trong Y học: độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) dựa trên creatinine, cystatin C hoặc cả hai, được sử dụng để đánh giá chức năng thận ở người lớn và trẻ em
Xét nghiệm BUN là gì? Công thức tính xét nghiệm BUN?
Xét nghiệm BUN là xét nghiệm đo lượng urea nitrogen một sản phẩm chuyển hoá của protein trong máu.
- Hiện nay các phương pháp xét nghiệm đều làm xét nghiệm ure tổng thể trong máu chứ không đo nồng độ urea nitrogen, tuy nhiên có thể tính chuyển đổi từ BUN sang ure theo công thức:
Urea [mmol/L] = BUN [mg/dL of nitrogen] x 10 [dL/L]/14x2 [mg N/mmol urea]
Urea [mg/dL]= BUN [mg/dL] * 2.14
BUN [mmol/L]= urea [mmol/L]
Hình ảnh minh họa xét nghiệm BUN
Chuyển hóa ure trong cơ thể
- Ure có trọng lượng phân tử 60 dalton và quá trình tổng hợp ure xảy ra ở gan. Quá trình tổng hợp này được tiến hành theo một chu trình được gọi là chu trình Krebs-Henseleit và được sơ đồ hóa như sau:
Protein → acidamin → NH3 → Carbamylphosphat → Citrulin → Arginin → Ure.
Từ sơ đồ trên ta thấy nguồn NH3 và ure có xuất xứ chủ yếu từ quá trình thoái hóa các protein.
- Các protein có thể có nguồn gốc khác nhau từ:
+ Thức ăn: Các protein ngoại sinh được các protease của đường tiêu hóa chuyển hóa tạo nên các acid amin. Các acid amin này được tái hấp thu và chuyển hóa thành NH3. NH3 được chuyển hóa thành ure ở gan.
+ Nội sinh: Dị hóa các protein mô giải phóng các acid amin rồi thành NH3 → ure.
Nồng độ ure máu phụ thuộc cùng lúc vào chức năng thận, khẩu phần nito cung cấp qua chế độ ăn, quá trình dị hóa protein nội sinh và tình trạng thăng bằng điện giải trong cơ thể.
Tất cả các rối loạn chức năng gan nặng đều làm quá trình chuyển hoá NH3 thành ure bị suy giảm. Rối loạn này sẽ gây hậu quả tích tụ NH3, một chất gây độc thần kinh với nguy cơ gây bệnh não tang ammoniac.
Các con đường đào thải ure bao gồm:
- Đường tiêu hóa: Một phần ure đào thải trong lòng ruột được chuyển thành NH3 nhờ tác dụng của các enzyme urease của ruột.
- Đường thận: Ure được lọc qua cầu thận và được tái hấp thu thụ động qua ống thận. Quá trình tái hấp thu này phụ thuộc vào lưu lượng nước tiểu và có xu hướng tăng lên khi lưu lượng nước tiểu < 2 mL/ phút.
Tất cả các rối loạn chức năng thận đều dẫn tới tăng nồng độ ure huyết thanh và nồng độ này trở nên độc khi > 33 mmol/L (200mg/dL). Khi nồng độ ure tăng đến mức 33 mmol/L (200mg/dL) sẽ có các biểu hiện lâm sàng:
+ Tim: viêm màng ngoài tim.
+ Phổi: biểu hiện phổi do ure máu cao.
+ Tiêu hóa: nôn.
+ Thần kinh: bệnh não do rối loạn chuyển hóa, hôn mê, viêm đa dây thần kinh.
Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm BUN
- BUN có giá trị bình thường:
+ Nồng độ Ure máu: 2.50-8.07 mmol/l.
+ Nồng độ Ure nước tiểu: 428 - 714mmol/24h.
- BUN tăng trên mức bình thường có thể gặp trong:
+ Suy tim sung huyết;
+ Tăng chuyển hoá protein (chẳng hạn như đói);
+ Tăng lượng proteine hấp thu vào;
+ Chảy máu dạ dày-ruột;
+ Giảm thể tích (do phỏng, mất nước);
+ Nhồi máu cơ tim;
+ Bệnh thận (viêm vi cầu thận cấp, viêm đài bể thận cấp và hoại tử ống thận cấp);
+ Suy thận;
+ Choáng (sốc);
+ Tắc nghẽn đường tiểu (do u, sỏi và phì đại tiền liệt tuyến).
- BUN thấp hơn mức bình thường có thể gặp trong: suy gan, ăn uống thiếu protein, suy dinh dưỡng, hydat hoá quá mức.
Chỉ định
Xét nghiệm BUN được chỉ định trong tất cả bệnh lý bệnh thận
- Hội chứng thận hư cấp tính;
- Hội chứng alport;
- Tắc mạch máu thận;
- Suy thận mãn;
- Viêm đài bể thận cấp;
- Sa sút trí tuệ do chuyển hoá;
- Bệnh thần kinh do tiểu đường;
- Ngộ độc digitalis;
- Bệnh thận giai đoạn cuối;
- Động kinh;
- Hội chứng Goodpasture;
- Hội chứng tán huyết do urea huyết cao;
- Hội chứng gan-thận;
- Viêm vi cầu thận tiến triển nhanh có tăng sinh trung mô IgM;
- Viêm ống thận mô kẽ;
- Viêm thận do lupus;
- Cao huyết áp ác tính (xơ cứng động mạch thận);
- Nang thận;
- Tiểu đường không phụ thuộc insulin;
- Tăng azote trước thận;
- Thoái hoá dạng bột tiên phát;
- Viêm vi cầu thận tiến triển nhanh (sang thương liềm);
- Bệnh thoái hoá dạng bột hệ thống thứ phát.
Cách lấy mẫu bệnh phẩm
- Mẫu được lấy vào ống huyết thanh hoặc huyết tương chống đông bằng Heparin, EDTA,…
- Không có khuyến cáo người bệnh nhịn ăn trước khi lấy mẫu, tuy nhiên không nên ăn ăn quá nhiều protein trước khi làm xét nghiệm.
- Nước tiểu: lấy bệnh phẩm nước tiểu 24.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
- Tăng ure giả tạo khi mẫu bị vỡ hồng cầu.
- Thuốc làm tăng nồng độ ure: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, acetaminophen, một số loại kháng sinh, thuốc điều trị tâm thần, thuốc chống viêm không phải steroid, salicylate, thuốc lợi tiểu, thuốc cản quang, streptokinas.
- Thuốc làm giảm nồng độ ure: Chloramphenicol, streptomycin.
Tài liệu tham khảo
1. Last page of Deepak A. Rao; Le, Tao; Bhushan, Vikas (2007). First Aid for the USMLE Step 1 2008 (First Aid for the Usmle Step 1). McGraw-Hill Medical. ISBN 0-07-14986
2. Jump up to:a b Longo et al., Harrison's Principles of Internal Medicine, 18th ed., p.611.
3. PGS. TS. Nguyễn Đạt Anh, DS CK II. Nguyễn Thị Hương, 2013, Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sang, Nhà xuất bản Y học, trang 675-680.